Từ những hạt lúa nếp non còn ngậm sữa, để làm ra hạt Cốm tươi dẻo thơm cũng thật công phu, với nhiều công đoạn đòi hỏi người làm Cốm thật có tâm và thật yêu nghề. Quy trình làm Cốm tươi cơ bản qua các bước sau đây:
Bước 1 – Đãi thóc: Lúa nếp non được thu mua từ những cánh đồng ven ngoại thành Hà Nội được tuốt hạt sạch sẽ và cho vào thùng nước để đãi. Các hạt thóc lép nổi lên sẽ được loại bỏ. Bước này, vừa có tác dụng làm sách sách hạt thóc khỏi đất, cát bụi bẩn, vừa đảm đảm chất lượng của từng hạt thóc.
Bước 2 – Rang thóc Cốm: Những hạt thóc chắc được đãi sạch sẽ được cho vào chảo rang Cốm. Chảo rang cốm, nhất thiết phải là chảo gang đúc, xung quanh được đắp bằng xỉ than và phải đun bằng củi. Đây là bước quan trong nhất trong quy trình sản xuất Cốm. Trong qua trình rang hạt Cốm phải được đảo liên tục để đảm bảo độ chín đều. Thông thường một mẻ cốm rang thủ công mất khoảng 1.5 giờ. Người rang phải luôn chú ý, không được cho to hoặc nhỏ lửa, tránh làm cốm chín ép .Tùy theo độ non của Cốm và độ lớn của lửa người làm Cốm quyết định thời điểm có thể xúc Cốm ra ngoài.
Bước 3 – Giã Cốm: Trước kia, khi chưa có các phương tiện máy móc, người Mễ Trì phải giã Cốm hoàn toàn thủ công, có 2-3 người đứng giã bằng chân và 1 người ngồi sơ , sảy Cốm bằng tay. Mỗi mẻ Cốm sẽ phải trải qua từ 3 – 5 lượt giã như vậy mới sạch hoàn toàn. Ngày này, hầu hết các cơ sở Cốm gia truyền đều có máy say, nên việc làm Cốm của bà con cũng bớt vất vả hơn.
Cốm sau khi được rang chín, để nguội sẽ cho vào máy say để loại bỏ phần vỏ trấu bên ngoài. Sau đó, cho vào giã từ 2 – 3 lần nữa cho hạt Cốm sạch và bong. Mỗi mẻ thóc rang thường cho ra thành phẩm từ 10 – 15kg Cốm Tươi.
Bước 4 – Đóng gói: Khi giã xong, cốm sẽ được gói trong hai lớp lá. Lớp bên trong là lá ráy hoặc lá sen giữ cốm không bị khô và không phai nhạt màu xanh ngọc. Lớp ngoài là lá sen có hương thơm thoang thoảng. Cốm tươi gói lá Sen như một sự kết hợp hoàn hỏa tạo nên món quà tinh hoa của trời đất.